Với kết quả kinh doanh khả quan, Thế Giới Di Động đã trích trước gần 1.700 tỷ đồng để thưởng cuối năm, bình quân mỗi nhân viên sẽ nhận hơn 28 triệu. Trong cuộc họp tình hình kinh doanh quý III của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), một nhà đầu tư hỏi về khoản trả thưởng nhân viên tăng đột biến. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, chi phí thưởng nhân viên đang được MWG trích trước gần 1.689,4 tỷ đồng vào cuối tháng 9, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Ông Vũ Đăng Linh - Giám đốc Tài chính - cho biết đây là khoản trích trước để thưởng cho nhân viên theo năm và sẽ được chi vào dịp cuối năm. Trước đó trong 2023, kết quả kinh doanh không thuận lợi nên công ty chỉ thưởng một tháng lương, mức thấp nhất trong 15 năm qua. Năm nay, kết quả kinh doanh khả quan hơn nên ban lãnh đạo muốn tăng quỹ thưởng để khích lệ nhân viên. "Đây là việc cần làm và nên làm để công ty có thể phát triển bền vững", ông Linh nêu quan điểm. ngườitriệu đồngMức thưởng bình quân hàng năm cho nhân viên của Thế Giới Di Độngnăm 2024 chỉ tính mức trích trước đến cuối tháng 9Nhân viên (cột trái)Mức thưởng bình quân (cột phải)2024202320222021202020192018020k40k60k80k020406080VnExpress2020● Nhân viên (cột trái): 68 097 Tính đến cuối tháng 9, toàn hệ thống Thế Giới Di Động có 60.258 nhân viên. Như vậy mức thưởng Tết bình quân mỗi người sẽ hơn 28 triệu đồng. Năm ngoái, MWG có quỹ thưởng 671,6 tỷ cho 65.414 nhân viên, trung bình mỗi người nhận về 10,3 triệu. Như vậy mức thưởng cuối năm nay gấp gần 3 lần của năm 2023, có thể tương đương 3 tháng lương. Con số trên cao hơn mức thưởng bình quân của hai năm trước đó và năm 2019. Tuy nhiên mức này vẫn thấp hơn đáng kể so với năm 2018, 2020 hay 2021. Giám đốc Tài chính MWG cũng cho rằng tiền thưởng năm nay không nhiều so với một doanh nghiệp có quy mô hơn 60.000 nhân viên. 28 triệu đồng chưa phải là mức thưởng bình quân cho cả năm vì vẫn còn quý kinh doanh cuối. Con số trên sẽ phụ thuộc vào số lượng nhân viên còn lại vào cuối năm cũng như việc MWG có trích thêm hoặc giảm bớt quỹ thưởng hay không. Trong 9 tháng, "đế chế" bán lẻ này đã cắt giảm 5.156 lao động. Đây là một trong những đợt sa thải nặng nề nhất lịch sử hoạt động của Thế Giới Di Động. Số người mất việc trong kỳ này tương đương 60% của cả năm 2023. Năm ngoái, họ cắt giảm 8.594 việc làm. Tuy nhiên, việc này chủ yếu diễn ra trong quý đầu năm. Tốc độ giảm nhân viên hai quý tiếp theo chững lại. Ban lãnh đạo cũng tuyên bố hoàn thành cơ bản quá trình tái cấu trúc. Do đó trong quý IV, việc đóng cửa sẽ ít đi và họ cũng tự tin đội ngũ nhân viên hiện tại có chất lượng tốt, hiệu suất làm việc cao. Một nhân viên Thế Giới di Động đang tư vấn sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: MWG Nhân sự là một trong những động lực chính cho chiến lược phát triển của Thế Giới Di Động. Khi trả lời câu hỏi về thách thức để giữ tăng trưởng hai con số trong tương lai, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị - cho rằng đáp án nằm ở việc đội ngũ có giữ được "lửa" hay không. "Điều sợ nhất của người dẫn đầu là nhìn lại đằng sau không thấy ai. Chúng tôi sẽ giữ tinh thần dù đã làm rất tốt, vẫn phải nỗ lực làm tốt hơn nữa bất kể đang cách xa đối thủ như thế nào", ông nói. Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp cũng giúp ông Tài tự tin khi cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử. Theo lãnh đạo MWG, các sản phẩm có giá trị lớn đòi hỏi lắp đặt và dịch vụ hậu mãi sẽ là sân chơi rất khó cho các đơn vị online nhỏ lẻ có thể tiếp cận. "Không ai vì tiết kiệm vài trăm nghìn mà chịu rủi ro tới hàng chục triệu khi sau đó không rõ người sẽ lắp đặt cho mình, sự cố xảy ra cũng không biết người nào chịu trách nhiệm", ông nhận định. Chủ tịch MWG nói không đơn giản để đào tạo được một đội ngũ nghìn nhân viên sẵn sàng lắp đặt, có sự cố thì nhanh chóng quay lại sửa chữa cho khách hàng. Điều này đòi hỏi chi phí "rất khủng khiếp". Do đó để những cửa hàng nhỏ mang sản phẩm giá trị lên nền tảng online bán và có được dịch vụ hậu mãi tốt "chắc phải cần 10 năm nữa".